MCP – cầu nối realtime cho AI Agent kết nối với dữ liệu và công cụ thứ ba
Ngày càng nhiều doanh nghiệp và cá nhân sử dụng AI để hỗ trợ công việc, nhưng vẫn gặp một rào cản khi AI gặp khó khăn khi kết nối nguồn dữ liệu và công cụ thứ ba. Điều này khiến AI dù thông minh đến đâu cũng chỉ dừng lại ở mức trả lời câu hỏi đơn giản. MCP – viết tắt của Model Context Protocol – ra đời để giải quyết chính bài toán đó. Cùng Tenten.vn tìm hiểu về khái niệm, những khả năng và ứng dụng của MCP trong tạo AI Agent.
MCP là gì?
Model Context Protocol (MCP) là một tiêu chuẩn mã nguồn mở do Anthropic phát triển. Bản chất của MCP rất đơn giản. Nó được tạo ra để giúp các AI kết nối dễ dàng với công cụ, dịch vụ và dữ liệu.
MCP giống như một “ngôn ngữ chung” cho AI, cho phép chúng làm việc với nhiều công cụ, dịch vụ khác mà không cần các kết nối phức tạp.

Với MCP, AI không chỉ trả lời câu hỏi mà còn có thể thực hiện các tác vụ như tìm kiếm thông tin, tóm tắt tài liệu hay lưu tệp. Các tác vụ này đòi hỏi lập trình viên tốn nhiều thời gian xây dựng API riêng nhưng MCP giúp đơn giản quy trình đó.
Trước khi MCP ra đời, các hệ thống AI xử lý ngữ cảnh và truy cập công cụ như thế nào?
Trước đây, để AI hiểu thêm thông tin, người dùng phải tự nhập toàn bộ dữ liệu vào mỗi câu lệnh. Nhưng cách này dễ vượt giới hạn độ dài và khó xử lý dữ liệu lớn, phức tạp.
Nếu muốn AI dùng công cụ ngoài như tìm kiếm hay truy cập cơ sở dữ liệu, lập trình viên phải tự viết mã kết nối từng API, tốn thời gian, dễ lỗi và không có chuẩn chung để mở rộng. Một số hệ thống dùng RAG để lấy thêm dữ liệu, nhưng chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin thụ động, không cho phép AI hành động hay tương tác chủ động.

Mô hình Agent AI trước khi có MCP
Các thư viện như LangChain hay AutoGPT hỗ trợ AI gọi công cụ, nhưng vẫn cần tích hợp thủ công và AI không thể tự tìm hiểu, sử dụng công cụ, dịch vụ mới
Chính vì hoàn cảnh trên, MCP được ra đời cho phép AI sử dụng với nhiều dịch vụ, công cụ khác với cách kết nối đơn giản hơn và dễ mở rộng hơn.
Cấu trúc của MCP
Trong hệ sinh thái MCP, ba thành phần chính là MCP Host, MCP Server và MCP Client.
MCP Host là ứng dụng tích hợp AI, như Claude Desktop hay các trình soạn mã. Host này đóng vai trò trung tâm điều phối, kết nối với nhiều MCP Server – đại diện cho công cụ, hoặc tài nguyên cụ thể.
MCP Server đại diện cho một công cụ hoặc tài nguyên, có thể truy cập dữ liệu trong máy như file, thư mục, hoặc kết nối với dịch vụ bên ngoài như API, đám mây, hay công cụ tìm kiếm. Nó hoạt động như “bộ chuyển đổi thông minh”, nhận yêu cầu từ AI (ví dụ: “tạo file tóm tắt” hay “xem pull request trên GitHub”), chuyển thành lệnh phù hợp, mô tả khả năng của mình cho AI, xử lý lệnh, trả kết quả rõ ràng và xử lý lỗi.

MCP Client, nằm trong AI hoặc ứng dụng như Claude, giúp AI giao tiếp với MCP Server, gửi yêu cầu, nhận kết quả và xử lý để đưa ra phản hồi thông minh cho người dùng.
Những khả năng MCP có thể làm được
Kết nối công cụ, dữ liệu theo thời gian thực
MCP là cầu nối giúp AI (như Claude) dễ dàng kết nối và tương tác với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau như cơ sở dữ liệu nội bộ, Google Drive, GitHub, Slack hay Notion. Nhờ kiến trúc client-server, AI có thể gửi yêu cầu đến các máy chủ MCP để lấy thông tin mới nhất hoặc thực hiện các hành động trên các nền tảng đó một cách nhanh chóng.

Mở rộng khả năng của AI
MCP đóng vai trò như một “phiên dịch viên” đa năng, giúp AI có thể gọi các hàm, thực hiện hành động trên các hệ thống, công cụ khác nhau.
Ví dụ: AI có thể lấy dữ liệu từ database, commit code lên GitHub, tìm kiếm tài liệu trên Google Drive, gửi tin nhắn Slack… mà không cần tích hợp thủ công từng API riêng biệt.
Khả năng bảo mật, kiểm soát truy cập
Dựa trên mô hình client-server, mỗi kết nối đều phải được cấp quyền rõ ràng. Người dùng hoặc tổ chức kiểm soát chặt chẽ AI được phép truy cập nguồn dữ liệu nào, với quyền hạn cụ thể. Việc này bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và đảm bảo AI chỉ thực hiện những tác vụ được phép.
Dễ dàng mở rộng, tích hợp và phát triển
MCP cũng rất dễ mở rộng và phát triển nhờ SDK hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình như Python, TypeScript hay Java, giúp lập trình viên tích hợp vào hệ thống AI một cách linh hoạt.
Đặc biệt, MCP ưu tiên việc triển khai cục bộ, cho phép AI xử lý dữ liệu ngay trên máy tính cá nhân hoặc mạng nội bộ. Điều này giữ cho tính riêng tư và bảo mật, đồng thời vẫn hỗ trợ mở rộng kết nối từ xa khi cần.
Ứng dụng của MCP trong tạo AI Agent
Sau đây là workflow trên n8n của Youtuber Vincent Do | AI & Automation. Anh Yotuber này đã ứng dụng MCP vào Agent AI Chat xử lý tác vụ tìm phòng nghỉ trên AirBnB.

Khi người dùng yêu cầu tìm kiếm các phòng nghỉ tại Đà Lạt, Agent này không chỉ sử dụng một mô hình AI, mà linh hoạt sử dụng các công cụ như ChatGPT, AirBnBTools và AirBnB Executive để xử lý yêu cầu.
Nhờ vào MCP, các công cụ này được kết nối theo thời gian thực, cho phép Agent lấy dữ liệu trực tiếp từ AirBnB và đưa ra danh sách phòng phù hợp.

Kết quả trả về là danh sách các phòng phù hợp với yêu cầu được xuất trên AirBnB. Người dùng có thể thêm các nền tảng khác (Booking.com, Agoda…) vào workflow mà không cần viết lại toàn bộ luồng. Khi đó, kết quả trả về sẽ là các phòng trên AirBnB, Booking.com, Agoda,..

MCP còn giúp Agent thực hiện thêm hành động tạo một link tổng hợp trên AirBnB chứa danh sách các phòng được đề xuất. Đây là hành vi mà trước đây cần lập trình thủ công và tích hợp riêng từng API.

Nhờ có bộ mã tiêu chuẩn, Agent AI hoạt động mượt mà, có khả năng tương tác đồng thời với nhiều tool, đưa ra kết quả chính xác, nhanh chóng.